GIỚI THIỆU CUỐN SÁCH “ĐỌC SÁCH - MÓN QUÀ MANG CẢ TƯƠNG LAI”

Kính thưa quý thầy cô giáo cùng các em học sinh thân mến!
                George R.R. Martin đã từng viết: “Một người đọc sách sống cả ngàn cuộc đời trước khi chết. Còn một người không đọc chỉ sống một cuộc đời thôi”. Câu nói nghe có vẻ trầm trọng, nhưng suy ngẫm lại ta cảm thấy câu nói có ý nghĩa thật sâu xa, khiến người khác phải nhìn nhận lại. Vậy đọc sách có tác dụng gì lớn lao? và ảnh hưởng gì to tác đến đời sống chúng ta đến vậy?

Đã từ lâu, nhiều nhà nghiên cứu đã chứng minh, sách luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu với mỗi chúng ta trên con đường tích lũy tri thức, nuôi dưỡng tâm hồn như: Đọc sách là trải nghiệm đầu đời quan trọng và đầy ý nghĩa; Nếu một đứa trẻ ngay từ khi sinh ra đã được tiếp xúc với sách trong niềm vui chắc chắn đứa trẻ ấy sẽ có ấn tượng tốt với sách và trở thành người yêu sách; Nhờ đọc sách cho con nghe từ nhỏ cha mẹ vừa thiết lập được cây cầu để kết nối tình yêu thương vừa truyền đến cho con cả những rung động sâu xa được biểu đạt bằng tiếng mẹ đẻ; hay Đọc sách chính là học - Học theo công thức truyền đạt - tiếp nhận các tri thức… đơn giản vì để sống như một người bình thường và có thể lao động, sáng tạo. Đó là khả năng tập trung, lòng nhẫn nại, tinh thần và kĩ năng hợp tác, khả năng lý giải và đồng cảm với những người đối diện và ở xung quanh…; Đọc sách cũng hỗ trợ tốt cho việc lựa chọn nghề nghiệp và nâng cao trình độ nghề nghiệp; hay là “đọc sách để sống trọn vẹn hơn đời sống con người” như nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương – người đã rong ruổi khắp nơi để lan toả niềm cảm hứng, niềm yêu thích việc đọc sách… Từ đó cho thấy, hiệu quả từ việc đọc sách quả là tuyệt biết bao.

Trước đây, đã có lần tôi đã từng đọc ở đâu đó rằng: Đọc sách cũng như được trải nghiệm thần giao cách cảm, và sách hẳn là thứ quyền lực nhất từng được phát minh trên đời. Nếu như không có sách, con người sẽ chẳng bao giờ vượt qua được giới hạn của không gian và thời gian... Mọi thứ chúng ta có được hiện tại, suy cho cùng, là nhờ có công rất lớn của chữ viết. Mọi thứ chúng ta học được đều đến từ việc đọc… Hơn thế nữa, đọc là niềm vui. Việc đọc giống như ngọn đèn hải đăng cho cảm hứng, như một nguồn nối kết cảm xúc. Đọc không chỉ là để những con chữ lướt qua trí não. Nó còn là vấn đề tư duy. Cách mà bạn đọc sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến việc bạn tiếp thu được gì, đồng nghĩa với việc nó sẽ khoanh vùng những chủ đề bạn quan tâm và cách bạn trưởng thành qua từng cuốn sách. Nhưng trên thực tế, không phải ai cũng cảm nhận được tầm quan trọng của việc đọc sách như vậy.

Vậy thì, để tạo được thói quen đọc sách và tận hưởng hết được những tác dụng tích cực mà sự đọc ấy mang lại, thì chúng ta phải làm gì? Có phải, điều đầu tiên là ta phải tìm được niềm vui thực sự của việc đọc? Đúng là như vậy, đọc không chỉ là một sở thích thú vị. Và, nếu đọc đúng cách, nó sẽ có tác dụng vô cùng lớn. Việc đọc không chỉ dạy bạn sống thế nào và làm ra sao, nó còn dạy bạn cách nhìn nhận sự việc… và khi kết thúc một cuốn sách, ta sẽ có một góc nhìn khác, ta có thể dùng góc nhìn mới mẻ đó để tạo nên một thế giới tốt hơn, nếu đó là điều ta lựa chọn. Hơn nữa, muốn thực hiện được điều đó, thì còn phải phụ thuộc vào chính người đọc. Chúng ta phải có một tư duy đọc đúng đắn từ ban đầu, phải sẵn sàng thay đổi tư duy, tiếp nhận những kiến thức mới. Người ta đã chỉ ra rằng, chỉ có duy nhất 2 hoạt động nên làm khi đọc sách để cải thiện nó chính là: Hãy chọn một vị trí đọc sách thật lý tưởng và lắng nghe âm thanh du dương êm ái. Như vậy, để đạt được hiệu quả cao nhất từ việc đọc, thì cần phải có sự kết hợp giữa nhiều yếu tố với nhau về tâm lý, con người và không gian thời gian.

Phải chăng, những điều kiện trên có thể áp dụng chung cho tất cả các đối tượng bạn đọc? Tuy nhiên, trẻ em không giống người lớn về khả năng nhận thức và sự tự giác đọc sách. Vậy, câu hỏi đặt ra, đối với trẻ em thì sao? chúng phải đọc sách như thế nào? người lớn cần hướng dẫn chúng làm gì để có thể cảm nhận và có thói quen thường xuyên đọc sách trong khi xu hướng hiện tại của chúng lại hướng về những thiết bị công nghệ thông minh.

Để trả lời cho những vấn đề nan giải, tưởng chừng như “bó tay” này,  hôm nay thư viện trường THCS Mỹ Đức xin trân trọng giới thiệu đến quý thầy cô cùng các em học sinh  cuốn sách Đọc sách - món quà mang cả tương lai do nhóm tác giả Vũ Phi Yên, Trần Quỳnh Như và Khâu Thiên Viện thực hiện, được Nhà Xuất bản Trẻ phát hành năm 2019. Đây cũng là món quà đặc biệt mà Thư viện trân trọng gửi đến đông đảo quý thầy cô và các em học sinh thân yêu nhân kỷ niệm Ngày Sách Việt Nam (21/4), và Ngày Bản quyền thế giới (23/4).

 

http://www.thuviendongnai.gov.vn/_layouts/LacVietBIO/fckUpload/2020-4/doc-sach-mon-qua2042020_193253.jpg

 

Kính thưa quý thầy cô cùng các em học sinh! Trong giai đoạn hiện nay, làm thế nào để trẻ yêu thích việc đọc sách và coi sách như một người bạn thân, điều đó hóa ra không hề khó như chúng ta đã nghĩ. Nếu bạn hiểu được quy luật của tâm lý, của não bộ, hiểu được sở thích của trẻ, biết được cách thức khơi gợi niềm đam mê với sách, bạn sẽ thành công.

Vì sao có những đứa trẻ rất thích đọc sách? Nhưng cũng có những đứa trẻ không thích sách? Làm gì khi con quá bận rộn với việc học hành mà sao nhãng việc đọc? Thực tế, cha mẹ không đọc sách nhiều, thì khuyến khích cho trẻ đọc sách thế nào?... và còn nhiều câu hỏi nữa mà tôi tạm không đề cập ở đây.

Xin hãy tìm đọc cuốn sách Đọc sách - món quà mang cả tương lai mà thư viện muốn giới thiệu dưới đây, phần nào những mối bận tâm, lo lắng của quý độc giả sẽ được giải đáp.

Với cuốn Đọc sách món quà mang cả tương lai sẽ giúp quý độc giả khám phá những phương pháp đưa sách đến gần con trẻ hơn, một cách tự nhiên không hề gượng ép do những tác giả - thành viên tích cực của dự án Book Bus – Chuyến xe sách mang đến với trẻ em nông thôn. Thành viên đầu tiên là Vũ Phi Yên - chuyên gia tâm lý, thành viên thứ hai là Trần Quỳnh Như - chuyên gia chơi với trẻ và thành viên cuối cùng là Khâu Thiên Viên – chuyên gia về con người. Cả ba tác giả đã tâm huyết, viết nên cẩm nang Đọc sách món quà mang cả tương lai, hướng dẫn cách thức khơi gợi niềm đam mê sách dành cho trẻ em.

            Chỉ với 172 trang, không hề giáo điều hay khô khan, cuốn sách có lối hành văn lôi cuốn, cách dẫn dắt hài hước, hình ảnh minh họa sinh động chỉ dẫn cho tất cả chúng ta, đặc biệt là những phụ huynh đang loay hoay, bối rối tìm thấy con đường đúng đắn trong hành trình mang sách đến gần và gắn bó cùng con trẻ.

            Sách sẽ trả lời cho độc giả “Đọc sách thực sự cần thiết? và vì sao như vậy?” Khi đọc cuốn cẩm nang này, độc giả sẽ có một cách nhìn tổng quan về những gì mà sách mang lại cho trẻ em? Khả năng tập trung? Lòng thấu cảm? Khả năng phát triển tư duy? Sự cởi mở và bản lĩnh? hay tại sao trẻ lại không thích sách? Còn nhiều những điều hay ho ẩn chứa trong từng trang sách khơi gợi cho trẻ sự tò mò, háo hức muốn tìm tòi và khám phá thế giới.

            Các tác giả đã dày công phân tích kỹ về những rào cản, cả hữu hình và vô hình khiến trẻ em không thích việc đọc. Từ tình trạng, trẻ em thời nay rất kém tập trung và bị thu hút bởi rất nhiều phương tiện giải trí từ các thiết bị thông minh, hiện đại; đến việc bản thân trẻ chán ghét việc đọc, vì bị người lớn ép buộc đọc những cuốn sách chúng không thích, hay vì bận học nên không có thời gian, hay là ngay cả khi bản thân người lớn không thích đọc sách, thì làm thế nào để trẻ nêu gương? Sách sẽ mở ra cho chúng ta những bài phân tích tâm lý cần thiết, hướng dẫn cách thức quan sát xem trẻ thuộc kiểu người nào, hướng nội, hay hướng ngoại; cảm giác – cụ thể hay trực giác – trừu tượng; lý trí hay cảm xúc; nguyên tắc hay linh hoạt? xác định được trẻ đang đứng ở đâu trên hành trình làm bạn cùng sách? khi đó sẽ có thêm những gợi ý để hỗ trợ trẻ thích đọc hơn và đọc hiệu quả hơn.

            Thông điệp cuối cùng của cuốn sách chính là nhóm ngọn lửa tình yêu với sách

Nhóm tác giả đã đưa ra một danh sách rất cụ thể những việc cần làm và nên làm để đem sách đến với trẻ. Từ hướng dẫn cách giới thiệu và khám phá một cuốn sách sao cho thật hứng thú, đến cách tự làm một cuốn sách nhỏ, làm kẹp sách hay chuẩn bị cho trẻ một không gian đọc để trẻ thoải mái và sẵn sàng khám phá cùng sách. Bên cạnh đó, sách còn hướng dẫn cách thức chọn đúng sách, cách đọc sách khoa học – món ăn khó nhằn không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để thưởng thức. Và, làm thế nào để trẻ yêu thích việc đọc sách và coi sách như một người bạn thân, thì việc hiểu được quy luật của tâm lý, của não bộ, hiểu được sở thích của trẻ, biết được cách thức khơi gợi niềm đam mê với sách, chắc chắn bạn sẽ thành công.

Hy vọng cuốn sách này có thể giúp mọi người tạo thói quen đọc sách cho trẻ, giúp trẻ có thể tiếp cận đến kho tàng tri thức của nhân loại và trở thành một người có tâm hồn giàu đẹp sau này.


Phần mềm dành cho TV huyện và trường học1. VŨ PHI YÊN
    Đọc sách - Món quà mang cả tương lai/ Vũ Phi Yên, Trần Quỳnh Như, Khâu Thiên Viện.- Tp. Hồ Chí Minh: Nxb. Trẻ, 2019.- 172tr.: ảnh, bảng; 20cm.
     ISBN: 9786041146372
     Tóm tắt: Giới thiệu các phương pháp khuyến khích con em bạn đọc sách bằng những cách thức thiết thực,cụ thể, đọc xong có thể áp dụng ngay, giúp cha mẹ, phụ huynh hình thành thói quen đọc sách cho con em và cho chính mình..
     Chỉ số phân loại: 028.55 VPY.DS 2019
     Số ĐKCB: TK.02284,

Còn chờ gì nữa! “Ngay từ hôm nay. Ngay từ lúc này… Hãy tập cho mình thói quen đọc sách… Thật đơn giản phải không nào... Chỉ cần ngồi một chỗ... Nhâm nhi từng trang sách... Lĩnh hội kiến thức của toàn nhân loại… Khi đọc sách ta sống cuộc sống của nhân vật… Ta đau nỗi đau của nhân vật… Ta hạnh phúc niềm hạnh phúc của nhân vật... Qua những nhân vật và số phận của họ... Tâm hồn ta lớn lên từng ngày… Trái tim ta đồng cảm hơn, yêu thương hơn... Tầm nhìn của ta đa chiều hơn, sâu rộng hơn. Để từ đó, ta trở thành một con người hoàn hảo hơn”. Xin cảm ơn tác giả của những câu nói trên, đã cho tôi có cái nhìn thực tế và tích cực hơn đối với việc đọc sách. Tôi sẽ cố gắng thực hiện. Còn bạn thì sao? Hãy cùng tôi thử nghiệm, chúng sẽ có ích đối với chúng ta và con cháu chúng ta…

Sách hiện có tại thư viện, các em hãy đến tìm đọc nhé.

Cuối cùng kính chúc quý  thầy cô giáo sức khỏe, cùng các em học sinh có 1 tuần học tập thật tốt.

           Chân thành cảm ơn!